Ấn tượng tranh sơn mài trong triển lãm “Phẳng”

Sáng ngày 02/3/2025, tại Trung tâm Mỹ thuật, Nhiếp ảnh 29 Hàng Bài, Hà Nội đã diễn ra khai mạc triển lãm mỹ thuật Phẳng của nhóm họa sĩ có chung tình yêu với hội họa và sơn mài. Triển lãm diễn ra trong không khí cởi mở, chân tình, đầm ấm của nhóm 16 họa sĩ cùng gia đình và bạn bè đến chung vui. 

Nhóm 16 họa sĩ trưng bày tranh Triển lãm “Phẳng”

Nhóm 16 họa sĩ bao gồm: nhà điêu khắc – họa sĩ Nguyễn Kim Xuân, họa sĩ – nhà phê bình mỹ thuật Trần Thị Quỳnh Như, hoạ sĩ Đỗ Thị Kim Đoan, hoạ sĩ Đào Văn Tuấn, hoạ sĩ Phạm Quốc Anh, hoạ sĩ Đỗ Tấn Phong, hoạ sĩ Phạm Thị Tuyết, hoạ sĩ Nguyễn Tuấn Cường, hoạ sĩ Vương Thanh Mỹ, hoạ sĩ Huỳnh Mai Trâm, hoạ sĩ Hoàng Ngọc Nhung, hoạ sĩ Nguyễn Đình Văn, hoạ sĩ Nguyễn Tú Anh, hoạ sĩ Nguyễn Đức Thịnh, hoạ sĩ Lily Lai. Các họa sĩ đa dạng độ tuổi từ những người sinh năm 196x cho đến những họa sĩ trẻ thuộc thế hệ gen Z, nhưng trong họ không có sự phân biệt về tuổi tác, vai vế, mà chỉ là sự đồng điệu về cảm xúc, về quan điểm nghệ thuật, và trên hết là tình yêu cho quê hương đất nước thông qua chất liệu sơn mài truyền thống.

Phát biểu tại buổi khai mạc, nhà điêu khắc – họa sĩ Nguyễn Kim Xuân cho biết nhóm có chung niềm yêu thích tranh sơn mài, họ tự tìm đến nhau, cùng nhau làm việc, cùng nhau sáng tác, cùng nhau ăn uống, thậm chí cùng nhau rong chơi, tất cả giống như một gia đình đầm ấm. “Điều đáng trân quý là những tác phẩm đã được ra đời sau từng ấy thời gian, được giới thiệu đến công chúng tại nơi đây – một mặt phẳng trong không gian. Và, một mặt phẳng cao hơn nữa là sự đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong nhóm họa sĩ”.

Điểm chung dễ nhận thấy trong triển lãm là sơn mài và những bức tranh về đề tài quen thuộc như quê hương, đất nước, con người Việt Nam. Mỗi người một phong cách, một cách thể hiện nhưng vẫn toát lên sự lộng lẫy sang trọng của chất liệu sơn mài. Sơn mài thực sự đã tái sinh mạnh cùng những họa sĩ và nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Chúng ta có thể bắt gặp một cảnh chiều thôn quê yên ả trong các tác phẩm Chiều về của họa sĩ Phạm Quốc Anh, Đường về bản của họa sĩ Đỗ Tấn Phong, Xuân về của họa sĩ Phạm Thị Tuyết. Hay những cô gái Việt, cô gái Hmông trong bộ trang phục dân tộc thắm đượm hồn quê như trong tác phẩm Cô dâu Hà Nội của họa sĩ Trần Thị Quỳnh Như, Chiếc ghế màu xanh của Đỗ Thị Kim Đoan, Dạ khúc 2 của Nguyễn Thị Thu hay Thiếu nữ dân tộc Dao của Phạm Thị Tuyết… Đề tài phong cảnh thiên nhiên cũng dễ dàng bắt gặp ở các tác phẩm của Đào Văn Tuấn, Vương Thanh Mỹ, Huỳnh Mai Trân…

Người xem đặc biệt ấn tượng với sự mờ ảo, bí ẩn huyền bí trong hình ảnh những di tích chùa chiền, danh lam thắng cảnh được đưa vào tranh của họa sĩ Nguyễn Tuấn Cường. Hay những bức pha trộn chút phong cách biểu hiện, trừu tượng của họa sĩ Nguyễn Kim Xuân, Phạm Quốc Anh.

Họa sĩ – nhà phê bình mỹ thuật Trần Thị Quỳnh Như cho biết thêm: “Các họa sĩ đã áp dụng kỹ thuật truyền thống đã được đúc kết lâu đời cùng với sự hiểu biết tính chất vật lý, hóa học của chất liệu kết hợp với sự tìm tòi khám phá của chính mình tạo nên những hiệu quả thẩm mỹ, vẽ và mài tạo nên mặt phẳng”.

Triển lãm sẽ tiếp tục được diễn ra đến ngày 8/3/2025.

Một số tác phẩm trưng bày tại triển lãm:

   PV.TCMT

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *