Dám – Trong “Khoảng lặng II” của họa sĩ Dũng trống

“Những bức tranh này hay quá, cả nội dung và màu, xem rất thích”. Vị khách ngắm tranh thốt lên khi gặp các tác phẩm mới của hoạ sĩ Dũng Trống, thành quả anh vẽ gần hai năm nay, anh âm thầm sáng tác và chuẩn bị cho triển lãm tranh KHOẢNG LẶNG II.
Anh ít ra ngoài hơn trong thời gian qua, cũng ít chia sẻ thông tin về các tác phẩm mới này trong quá trình sáng tác, chỉ những bạn bè thường lui tới mới được xem.
Tới tận giờ anh mới dám vẽ… hoạ sĩ Dũng Trống điềm tĩnh trả lời khách.
Dám, một từ thốt ra từ trong con người từng trải, bôn ba và trải nghiệm đủ thứ trên đời. Không phải là thanh niên mới bước qua ngưỡng cửa, ngỡ ngàng với thế giới, ngạc nhiên với xã hội, ồ, à với xung quanh. Dám của anh, một sự khởi đầu, một sự bạo dạn, một sự tự tin để chia sẻ những trải đời, những tự sự và trắc ẩn thông qua các tác phẩm, bằng những nét cọ, mảng màu và hình khối.
Ở triển lãm “KHOẢNG LẶNG” lần thứ nhất, các tác phẩm anh giới thiệu tới công chúng khá đa dạng phong cách như một thử nghiệm cho cả thể loại, kỹ thuật hội hoạ cũng như phong cách thể hiện. Cuộc triển lãm đánh dấu một bước khởi đầu tốt đẹp, được công chúng, nhà sưu tập đón nhận. Sau đó, anh đã có thêm nhiều triển lãm, riêng có, chung có, vừa là khoe những đứa con tinh thần, vừa là thăm dò sự phản hồi, đánh giá cũng như tư vấn từ công chúng, bạn bè, nhất là các nhà chuyên môn trong giới và các nhà phê bình. Từ các triển lãm đó, mỗi sự kiện, anh đã khác, anh đã già dặn hơn, bồi đắp cho tuổi cầm cọ của chính mình và nhanh chóng thành hoạ sĩ già kịp tuổi đời dù rằng xuất phát việc cầm cọ khá muộn.
 
Dám, anh đến giờ mới dám vẽ, mới tự tin vẽ, khi anh nói về sự hoà trộn và cách dùng màu vào nét vẽ mạnh bạo trong tác phẩm, điều ở những tác phẩm trước anh còn rụt rè. Màu xanh, trong những tác phẩm mới gần đây, màu chủ đạo của các tác phẩm được chuyển biến nhuần nhuyễn khi đổi gam màu sang vùng nét contour sát bên cạnh, mềm dịu đảm bảo các đối tượng nội dung không bị ganh hay sượng. Thậm chí, chủ đạo với màu xanh, nhưng các cấp màu xanh biến chuyển mềm khác nhau. Ngay cả những điểm nhấn có màu đối nghịch màu là đỏ, trắng hay đen, không làm cho khán giả tức mắt, người xem cảm nhận như sự tự nhiên, được phân phối tất yếu vào trong đó. Suy tư, Hiện sinh, An bình, Thái bình, Hoài niệm, Nguyện cầu hay Chân tu, Tự do và Hư vô là chuỗi tác phẩm với màu xanh chủ đạo và cũng là các tác phẩm chính cho triển lãm.
Thực sự là thành quả của Dám pha màu và Dám đặt cọ tạo hình khối, hướng thị giác êm dịu cho khán giả như đang nghe một bản nhạc êm đềm hoà tấu bởi các nhạc cụ khác nhau. Các tác phẩm trong cùng đợt sáng tác cho triển lãm tạo thành một bộ tranh trừu tượng biểu hiện với nội dung dẫn dắt khán giả có chủ đích. Áp đặt người xem, nhẹ nhàng từ màu và hình, nhưng chứa đựng nội dung sâu xa thấm chìm trong các lớp không gian.
Dám, đến giờ anh mới dám vẽ, anh vẽ những điều ngại ngùng, những phồn thực bản thể nhất của con người bằng sự mạnh dạn, dám dứt khoát, khéo léo đưa cho anh nội dung không bị dung tục, không bị thô, mọi thứ chìm ẩn tế nhị là những thứ cô đọng nhất từ cuộc sống thường nhật, từ những trải nghiệm, ký ức của chính anh mà cũng là của bất cứ ai, ai cũng thấy chính mình tham gia cùng câu chuyện.
Dám, đến giờ anh mới dám vẽ, đấy là vẽ nội dung, vẽ những câu chuyện, anh kể chuyện đời, kể chuyện những khoảnh khắc, những hành trình hay những cuộc đời, thậm chí, anh kể cả những hiện tượng xã hội, nhưng nhân sinh quan, nhân tình thế thái, thông qua màu sắc, nét cọ, hình khối, anh kể, anh chia sẻ, những thẩm thấu cuộc đời. Chẳng giống ai, giống sao được, mỗi một người có một cuộc đời, mỗi một sự việc, mỗi hoàn cảnh, người trong cuộc ở góc nhìn khác nhau sẽ có câu chuyện khác nhau. Nhưng ai dám kể cuộc đời đó? Ai dám nói ra những điều chứng kiến? Và kể ra như thế nào?
Trong tác phẩm Suy tư, anh tự sự:
Nếu có thể đừng than chi số phận
Gạt nỗi buồn vướng bận gió cuốn đi
Đời ngắn lắm yêu thương còn chưa đủ
Sao bận lòng cho những phút sân si.
Ở bức Hư vô anh chia sẻ:
Chốn dương gian chẳng qua là tạm bợ
Tiệc tan rồi cũng trở lại hư vô
Hãy giữ gìn trân trọng mến thương nhau
Vì thời gian chẳng thể nào quay lại?
Hay Nguyện cầu một sự thổn thức:
Đời là một cõi u mê
Vui cho trọn kiếp trở về hư không
Sinh lão bệnh tử luân vòng
Bụi trần rũ sạch tay không ta về (Sưu tầm)
Dám, không chỉ những câu chuyện triết lý, răn dạy từ tín ngưỡng, những chuyện xã hội hiện đại hay trong nhân gian, anh đã dám kể cả những tự sự của chính mình, những câu chuyện riêng được phổ quát hoá, chuyện cá nhân, gia đình, xoay quanh vị nhân sinh mỗi cá thể, những điều giữ kín được anh dám thổ lộ kể ra trong hội hoạ. Là câu chuyện của anh, những “KHOẢNG LẶNG” trong cuộc sống, như những dấu lặng trong bản nhạc anh vẫn thường chơi. Nó là cấu phần phải có trong bản nhạc cuộc đời. Là người từng trải, “KHOẢNG LẶNG I” giống như bước thử nghiệm, đã giúp anh tốt nghiệp để tư do hơn, phóng khoáng hơn và tự tin hơn trong sáng tác. Các tác phẩm của Dũng Trống đa phần là Trừu tượng, nhưng Trừu tượng Biểu hiện. Mỗi câu chuyện đều có đầu mối để tiếp cận. Anh chia sẻ. Mỗi khán giả đứng xem, không bị lạc lối trước một bức trừu tượng, trước các tác phẩm của anh, họ có thể nhận ra được câu chuyện phía sau qua đầu mối biểu hiện anh cố ý tạo ra. Họ sẽ có thể nhận thấy và đi tiếp nội dung dường như cũng giống trải nghiệm họ đã có.
Dũng Trống đang kể cho khán giả những câu chuyện qua tác phẩm hội hoạ. Trong bề bộn của cuộc sống, ước mong sự cân bằng, sự yên bình Thái bình Hưng bảo một đồng tiền thế kỷ thứ 10 của nhà Đinh được thể hiện, không phải để nói sự hoài cổ, anh mượn hình tượng xưa như để nói một điều răn dạy, sự nhân quả của cuộc sống. Phản ảnh hiện thực bức tranh của xã hội, nhiều hệ luỵ, nhiều bon chen, tốt, xấu lẫn lộn, thậm chí những bất chấp vượt qua luân thường đạo lý, tĩn ngưỡng, pháp luật. Thế nhưng, những điều tốt đẹp, những mầm mống xanh tươi luôn luôn trực sinh ra âm thầm vươn lên, vươn lên cùng hy vọng ra khỏi sự trói buộc tầm thường.
Tác phẩm Việc tử tế:
Sống phải giữ để tâm hồn bình lặng
Được ấm no là may mắn hơn người
Hãy mỉm cười thay nước mắt ai ơi
Nghĩ giản đơn cho cuộc đời hương vị?
Có những giáo điều, có những thế lực, bị lợi dụng trở thành công cụ dẫn dắt theo một mục đích nào đó, nó sẽ mất đi nếu chúng ta mất niềm tin. Niềm tin như một sợi chỉ, xuyên suốt tất cả các tầng lớp, như một ranh giới, như một lẽ sống để cứu vớt, để giữ chúng ta trở lại là con người, trở lại nhân gian với cuộc sống như trong tác phẩm “Hiện sinh”.
Cuộc sống cuốn đi với vô vàn đam mê, với vô vàn lý do, theo thời gian, có vô vàn mảnh ghép để tạo dựng lên cuộc sống, của xã hội, thế nhưng, phía sau đó, chỗ dựa cho mỗi chúng ta, ai cũng sẽ cần có một hình bóng vững chãi, một cánh tay vỗ về, ru ta khi mỏi mệt. Ẩn chứa trong hầu hết các tác phẩm của anh, sự mong muốn giải thoát, vượt lên, vượt ra khỏi ràng buộc tù túng của cả quan niệm, nhận thức. Tuy nhiên, chính mong muốn đó lại có mâu thuẫn, anh tin vào tín ngưỡng, tin vào nhân quả, tin vào những điều tốt đẹp và nó đã níu kéo cân bằng trở lại với những phá cách.
Với “KHOẢNG LẶNG II” loạt tác phẩm mới, từng tác phẩm là từng câu chuyện, thế nhưng chúng có mối liên kết với nhau khi ta xem hết một lượt. Từ câu chuyện tâm linh, tín ngưỡng, răn dạy, tự sự của bản thân, hiện tượng của xã hội… nhưng rất dễ nhận ra, vẫn còn đó, còn sự rụt rè, khá ngây thơ của người hoạ sĩ, ngây thơ với cuộc đời, ngơ ngác bỡ ngỡ trước màu sắc chính mình tạo ra. Điều này tạo cho chuỗi các bức tranh của anh có một sự lạc quan tổng thể. Có bức tranh tưởng là câu chuyện buồn, nhưng màu sắc lại là sự lạc quan, mang lại tinh thần tích cực với người xem.
Chúng ta ai cũng có các câu chuyện cuộc đời, ai cũng có trải nghiệm buồn, vui, thành công hay thất bại, và nhiều người đã dám kể ra, chia sẻ những câu chuyện bằng cách này hay cách khác. Có người kể chuyện bằng những bài viết, có người kể bằng âm thanh thông qua những bản nhạc hay bằng những vị giác thông qua các món ăn, đồ uống. Bằng những vần thơ hay điện ảnh… Dũng Trống lựa chọn kể chuyện thông qua màu sắc của hình khối từ các nét cọ, từ triết lý sâu xa ẩn dụ của các tác phẩm trừu tượng. Những câu chuyện anh kể giản dị, ai cũng từng chứng kiến, cũng từng trải qua, thế nên sẽ bắt gặp sự gần gũi, đồng cảm nhanh chóng ở các tác phẩm của anh.
Mỗi tác phẩm mỗi câu chuyện, nhưng mỗi khán giả là một câu chuyện riêng, hãy đến ngắm, đọc và nghe câu chuyện của hoạ sĩ Dũng Trống, và đọc, xem, nghe chính câu chuyện của mình tương đồng trong mỗi tác phẩm. Trong dòng chảy thời gian của cuộc sống, câu chuyện luôn tươi mới, với Dũng Trống, mỗi ngày mới là một thời khắc sáng tạo, một nội dung mới cần được ghi chép lại vào tranh và anh sáng tác. Chúng ta sẽ đọc nội dung “KHOẢNG LẶNG II” và sẽ tới các “KHOẢNG LĂNG N” trong thời gian ngắn sắp tới.
(*) Ảnh trong bài là các tác phẩm của họa sĩ Dũng Trống trong triển lãm “Khoảng lặng II”.
Đặng Vân Phúc
(Đặng Nhật Hà / CEO Art Exchange)
Hà Nội, tháng 03 / 2024

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *