Họa sĩ Nguyễn Thị Kim Thái và Lê Công Thành với “Nguồn cội” tại Đà Lạt

NDO – Lần đầu tiên, tác phẩm hội họa, điêu khắc của Lê Công Thành và Nguyễn Thị Kim Thái đến với công chúng thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, qua triển lãm chủ đề “Nguồn cội” tại Mimosa Gallery.
Không gian triển lãm "Nguồn cội" tại Mimosa Gallery, thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng.
Không gian triển lãm “Nguồn cội” tại Mimosa Gallery, thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng.

Họa sĩ Nguyễn Thị Kim Thái phối hợp Mimosa Gallery giới thiệu các tác phẩm hội họa, điêu khắc của chồng – cố họa sĩ, điêu khắc gia Lê Công Thành và tác phẩm của bà với công chúng yêu nghệ thuật ở xứ ngàn hoa Đà Lạt.

Với chủ đề “Nguồn cội”, triển lãm giới thiệu đến công chúng hơn 45 tác phẩm hội họa và điêu khắc, được tuyển chọn từ hàng nghìn tác phẩm của vợ chồng họa sĩ, nhà điêu khắc Lê Công Thành và Nguyễn Thị Kim Thái.

Họa sĩ Nguyễn Thị Kim Thái và Lê Công Thành với “Nguồn cội” tại Đà Lạt ảnh 1
Họa sĩ Nguyễn Thị Kim Thái chia sẻ tại triển lãm “Nguồn cội”.

Chia sẻ tại triển lãm, họa sĩ Nguyễn Thị Kim Thái nói ngắn gọn: “Chúng tôi luôn mong muốn kết nối nghệ thuật với đời sống”.

Đại diện Mimosa Gallery cho biết, đây là lần đầu tiên tác phẩm hội họa, điêu khắc của Lê Công Thành và Nguyễn Thị Kim Thái đến với công chúng Đà Lạt. Tuy vậy, đây không hẳn là “đến”, mà “trở về” với “Nguồn cội”, với khởi nguyên tình yêu và nghệ thuật.

Họa sĩ Nguyễn Thị Kim Thái và Lê Công Thành với “Nguồn cội” tại Đà Lạt ảnh 2
Một góc không gian triển lãm “Nguồn cội” tại Mimosa Gallery.

Họa sĩ, nhà điêu khắc Lê Công Thành (1932-2019) nằm trong số những nhà điêu khắc xuất sắc tại Việt Nam. Thời gian đầu sự nghiệp, ông hào hứng với đề tài chiến tranh cách mạng. Sau đó ông chuyển hướng, phần lớn sáng tác tượng kích thước nhỏ nhưng có tính biểu tượng cao. Tác phẩm của ông từ giai đoạn này cho đến cuối đời, gần như xoay quanh vẻ đẹp nguyên sơ, tinh khiết và quyến rũ của phụ nữ.

Họa sĩ Nguyễn Thị Kim Thái và Lê Công Thành với “Nguồn cội” tại Đà Lạt ảnh 3
Tác phẩm của họa sĩ, nhà điêu khắc Lê Công Thành.

Sau những giờ cật lực với điêu khắc, Lê Công Thành quay sang thư giãn với giá vẽ. Tuy vậy, tác phẩm hội họa của ông lại thành một mảng đặc biệt, rất đẹp, giàu ý niệm và cá tính; dụng hình dứt khoát, chắc khỏe, tối giản đường nét và khoáng đạt. Sự quyện hòa giữa hội họa và điêu khắc, với sự sắc ngọt đường nét, vẻ đẹp phồn thực của người phụ nữ trong tác phẩm của ông có sự thu hút riêng biệt.

Họa sĩ Nguyễn Thị Kim Thái và Lê Công Thành với “Nguồn cội” tại Đà Lạt ảnh 4
Tác phẩm “Tình yêu” và “Cô gái miền núi” của Lê Công Thành.

Họa sĩ Nguyễn Thị Kim Thái sinh năm 1943 tại Hà Nội, tốt nghiệp Trường Mỹ thuật công nghiệp Việt Nam. Tại ngôi trường này, bà gặp gỡ, trở thành học trò và sau đó nên duyên vợ chồng với nhà điêu khắc Lê Công Thành.

Họa sĩ Nguyễn Thị Kim Thái và Lê Công Thành với “Nguồn cội” tại Đà Lạt ảnh 5
Họa sĩ Nguyễn Thị Kim Thái và những nghệ sĩ tại Đà Lạt.

Nguyễn Thị Kim Thái cũng thường nhấn vào vẻ đẹp phụ nữ, là họa sĩ nữ thành công với đề tài nude (khỏa thân). Trong hành trình hơn nửa thế kỷ đi cùng hội họa, bà nổi trội với thiên tính nữ vượt trội của mình và để lại cho hội họa hiện đại những tác phẩm tràn đầy cảm hứng tình yêu lứa đôi, tình mẫu tử.

Họa sĩ Nguyễn Thị Kim Thái và Lê Công Thành với “Nguồn cội” tại Đà Lạt ảnh 6
Không gian giới thiệu tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Thị Kim Thái” tại triển lãm.

“Thoảng qua hời hợt, dễ cảm giác tranh Nguyễn Thị Kim Thái là phiên bản giá vẽ của tượng Lê Công Thành. Nhưng nhẩn nha bên chúng, lắng nghe chúng mới tỏ tường sức cám dỗ thiên tính nữ bẩm sinh trong từng nét vẽ. Càng ngó nghiêng tìm hiểu, càng thấm tư duy nghệ thuật sớm phá cách, không nệ cổ, không bị áp đặt bởi các lý lẽ thường tình trong thế giới hội họa khiêm nhường, bí ẩn mà lại rỡ ràng diễm lệ của họa sĩ lão thành Nguyễn Thị Kim Thái”, nhà báo Ngô Hương Sen, Báo Nhân Dân, viết.

Họa sĩ Nguyễn Thị Kim Thái và Lê Công Thành với “Nguồn cội” tại Đà Lạt ảnh 7
Tác phẩm chủ đề tình yêu của họa sĩ Nguyễn Thị Kim Thái.

Họa sĩ Nguyễn Thị Kim Thái chia sẻ, thời gian đầu đến với hội họa, bà chỉ biết nghệ thuật truyền thống. Sau này được học mới biết thêm nghệ thuật các nước. Xem, biết và yêu thích, những điều đó đến tự nhiên và hòa quyện. Bà kể: “Ông (điêu khắc gia Lê Công Thành) nặn tượng khỏa thân từ lâu lắm rồi, mình cũng vẽ mấy chục năm nay. Nhưng giai đoạn chưa “mở” với dòng tranh này nên cứ để ở nhà… Đôi khi ông vẽ chơi rồi để đó, mình lại hoàn chỉnh tranh cho ông, cứ thế rồi ảnh hưởng nhau. Mình không theo khuynh hướng, tự nhiên nó đến”.

Họa sĩ Nguyễn Thị Kim Thái và Lê Công Thành với “Nguồn cội” tại Đà Lạt ảnh 8
Du khách nước ngoài đến với triển lãm “Nguồn cội”.

Theo nữ hoạ sĩ, bà vẽ nude – khỏa thân nghệ thuật một cách tự nhiên, vì yêu vẻ đẹp nguyên thủy của phụ nữ.

Với Lê Công Thành, chính công chúng đã thực tế hóa ước mơ của ông lúc sinh thời – phóng to những bức tượng tràn đầy triết lý về tình yêu, nhân sinh, về nguồn cội, về sự giao hòa giữa tự nhiên và con người… để đặt chúng vào giữa đời sống.

Họa sĩ Nguyễn Thị Kim Thái và Lê Công Thành với “Nguồn cội” tại Đà Lạt ảnh 9
Tác phẩm của họa sĩ, nhà điêu khắc Lê Công Thành.

Nhiều người đến với triển lãm cho rằng, tác phẩm của Lê Công Thành – Nguyễn Thị Kim Thái đã tác động tích cực tới thẩm mỹ và tư duy nghệ thuật của nhiều người. Cả khi tuổi đã cao, nghệ thuật của cặp đôi nghệ sĩ vẫn tươi trẻ, cá tính và hiện đại.

Những năm gần đây, tác phẩm của Lê Công Thành và Nguyễn Thị Kim Thái được nhiều người yêu cái đẹp tìm kiếm, săn đón, trân trọng, bởi đó là những biểu tượng của đẹp, cái đẹp phồn thực, nguyên sơ, rạo rực, dễ dàng len lỏi vào tận thẳm sâu nội tâm người xem.

   Họa sĩ Nguyễn Thị Kim Thái và Lê Công Thành với “Nguồn cội” tại Đà Lạt ảnh 10
         Một góc không gian triển lãm “Nguồn cội” tại Mimosa Gallery.

Triển lãm “Nguồn cội” tại Mimosa Gallery (17 Phù Đổng Thiên Vương, thành phố Đà Lạt), diễn ra đến ngày 27/5.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *