Họa sĩ Sophie Trịnh vừa trình làng triển lãm đầu tay mang tên “Lớp lang cảm xúc” tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền (Hà Nội) của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Nữ họa sĩ đã dành hơn 6 năm để hoàn thiện bộ sưu tập này, sử dụng chất liệu sơn dầu trên vải, chủ yếu khai thác đề tài phụ nữ khỏa thân.
Họa sĩ Sophie Trịnh nói về tác phẩm của mình trong ngày khai mạc triển lãm
Trong những ngày triển lãm diễn ra, đông đảo người yêu hội họa đã dành thời gian để chiêm ngưỡng những đứa con tinh thần của Sophie Trịnh. Nhiều họa sĩ nổi tiếng như Lê Thiết Cương, Ngô Xuân Bính, Hồng Việt Dũng… đã không tiếc lời khen ngợi các tác phẩm của cô, thậm chí gọi Sophie là một “tài năng”.
Hội đồng Nghệ thuật của Hội Mỹ thuật Việt Nam nhận định: “Triển lãm này không chỉ là một bộ sưu tập nghệ thuật; nó là một cuộc trò chuyện – một kết nối từ tâm hồn đến tâm hồn vượt qua biên giới, văn hóa và ngôn ngữ. Chúng tôi mời bạn đắm mình vào hành trình này của sự trao quyền và đoàn kết, và cùng Sophie tham gia vào cuộc trao đổi toàn cầu về sức mạnh, sự thiêng liêng và tình đoàn kết này”.
Đón nhận những lời khen ngợi, nữ họa sĩ bày tỏ niềm hạnh phúc. Hơn hết, điều khiến cô tự hào là có thể lan tỏa thông điệp của sự sẻ chia, là sợi dây kết nối những nỗi niềm sâu kín, khát khao yêu thương của chính mình và những bản thể khác thông qua những tác phẩm hội họa.
Không gian triển lãm
Tài năng hội họa từ khi còn nhỏ
Từ bé, Sophie Trịnh đã bộc lộ niềm yêu thích mãnh liệt với màu sắc và hội họa. Nhận thấy điều đó, gia đình đã tạo điều kiện để cô theo đuổi đam mê. Sophie chia sẻ rằng, ngoài mỹ thuật, cô gần như không tập trung vào các môn học khác, chỉ thể hiện tài năng qua các hoạt động ngoại khóa như vẽ báo tường. “Sau đó, bố tôi đã mời thầy về dạy vẽ cho tôi. Quãng thời gian đó như những viên gạch đầu tiên xây dựng nên con người tôi hiện tại. Niềm yêu thích ấy đã giúp tôi vượt qua những khó khăn về kỹ thuật mà nhiều bạn khác cảm thấy chán nản”, cô bày tỏ.
Ngoài vẽ, Sophie còn yêu thích điện ảnh, muốn trở thành MC, diễn viên hay nhiếp ảnh gia… Trong ánh mắt của một cô gái trưởng thành, vẻ đẹp của cuộc sống và con người luôn cuốn hút cô. Đây cũng là nguồn cảm hứng khiến Sophie theo đuổi dòng tranh về đề tài này. “Tôi yêu cuộc sống, yêu bản thân và từ đó yêu những người xung quanh. Chính điều đó giúp tôi có cái nhìn bao dung, không ghen tị hay đố kỵ với ai” cô chia sẻ.
Họa sĩ Sophie Trịnh bên cạnh tác phẩm của mình
Họa sĩ Sophie Trịnh và họa sĩ Hồng Việt Dũng
Sophie Trịnh cho biết cô thích khai thác đề tài cơ thể phụ nữ nhưng thường vẽ vào ban đêm. Mặc dù việc tìm kiếm người mẫu có thể gặp khó khăn, nhưng chính điều đó đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo. “Tôi đã tự chụp ảnh các dáng và sau đó vẽ thành tranh. Khi mọi người nhìn vào tranh của tôi, dù là trên ảnh hay thực tế, đều thấy được màu sắc của Sophie. Tôi thường sử dụng những gam màu xanh nhẹ, biểu tượng cho sự nhẹ nhàng và tính cách có phần mạnh mẽ. Khi làm gì, tôi không ngại đối mặt. Trong nội tâm tôi có sự giằng xé nên tôi muốn chinh phục chính bản thân. Tôi thích phong cách lãng mạn, nên đã vẽ về chủ đề về nội tâm”, cô trải lòng.
Đam mê nghệ thuật từ bé, nhưng đến hiện tại, Sophie Trịnh mới có triển lãm đầu tay. Nguyên nhân chính là do biến cố lớn khi bố cô đột ngột qua đời. Và lời dặn dò tâm huyết của bố “cố gắng tiệp tục thực hiện ước mơ trở thành họa sĩ chuyên nghiệp con nhé”. Sự ra đi đó để lại một khoảng trống lớn và lời hẹn của con gái với người bố và số tài sản nhỏ bé người bố để lại với câu nói “bố tiết kiệm cả cuộc đời để dành cho con”.
Hai ngày sau khi bố mất, cô quyết định mang nỗi đau đó biến nó thành sức mạnh để vượt qua, thể hiện hết trong các phẩm của mình. Trong các bức tranh của Sophie Trịnh, có một chút cô đơn, đè nén, một chút yếu đuối, một chút giằng xé, một chút của sự an ủi tự hàn gắn bản thân về nỗi niềm mong muốn được yêu thương.
Trong hành trình 6 năm tạo ra 23 tác phẩm, Sophie Trịnh cho biết điều quan trọng nhất là sự kiên trì, bền bỉ có niềm tin vào những “đứa con tinh thần” của mình và khát khao chiến thắng bản thân, dù các bức tranh có được ủng hộ hay không cũng không quan trọng. Hành trình đó cũng giúp cô tìm thấy sự bình yên trong chính các tác phẩm của mình. “Tôi được thủ thỉ, được lắng nghe bản thân và đưa tất cả những gì tôi nhìn thấy trong cuộc sống những mảnh đời cũng giống tôi đưa vào tranh”, cô tự hào.
Khi nung nấu ý định mở triển lãm, nhiều bạn bè đã khuyên cô vì biết đây là chủ đề nhạy cảm. Tuy nhiên, chính sự công nhận của Hội đồng Mỹ thuật Việt Nam và đông đảo công chúng trong và ngoài nước đã giúp Sophie thêm đông lực vào hành trình nghệ thuật chân chính của mình. Họ cảm nhận như kiểu hiếm thấy một người dám sống thật với chính mình, dám thể hiện những ngóc ngách của cuộc đời qua tranh, thật đáng quý.
Sơn Phạm