Khai mạc triển lãm tranh sơn mài “Song Tấu Lạ” của 2 hoạ sĩ Trần Đình Khương và Đoàn Thuý Hạnh

Ngày 24 tháng 11, triển lãm tranh sơn mài “Song Tấu Lạ” của Trần Đình Khương và Đoàn Thuý Hạnh do Bến Thành Art Gallery tổ chức, đã chính thức được khai mạc tại An Gallery, 159 Đồng Khởi, Quận 1, giới thiệu gần 80 tác phẩm nổi bật của cặp vợ chồng hoạ sĩ.

Trong triển lãm cá nhân đầu tiên của cặp đôi hoạ sĩ người Hà Nội ra mắt công chúng TP. Hồ Chí Minh, Trần Đình Khương giới thiệu 31 tác phẩm tranh sơn mài khai thác chủ đề cá chọi và cá chép, còn Đoàn Thuý Hạnh lại lựa chọn đề tài chân dung trẻ thơ và những loài hoa gắn liền với ký ức đẹp đẽ của chị về tuổi thơ.

Họa sĩ Trần Đình Khương sinh năm 1972 tại Hà Nội. Anh tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội năm 1995. Anh từng là thành viên Ban chủ nhiệm CLB Họa Sĩ Trẻ và hiện đang là hội viên Hội Mỹ Thuật Việt Nam.

 

Họa sĩ Đoàn Thuý Hạnh sinh Năm 1974 tại Hà Nội. Chị tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội năm 1995 và hiện là hội viên Câu lạc bộ nữ tác giả thuộc Hội Mỹ Thuật Việt Nam.

 

Hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam phát biểu khai mạc triển lãm

Tham dự sự kiện khai trương có nhiều nhà sưu tập tranh, đồng nghiệp, bạn bè của 2 hoạ sĩ của Trần Đình Khương và Đoàn Thuý Hạnh đến chúc mừng.
Cũng tại sự kiện khai trương, hoạ sĩ Đoàn Thuý Hạnh cùng đại diện Bến Thành Art Gallery đã ủng hộ toàn bộ số tiền bán tác phẩm tranh sơn mài có tên “Trong vườn”, gửi tới trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn của thành phố.

Chia sẻ về cảm hứng sáng tác của mình, Trần Đình Khương cho biết: “Trong tôi như có hai dòng chảy với những hình ảnh luôn đan xen trong tâm tưởng, một bên là hình ảnh cá chép trong đời sống văn hóa nghệ thuật, tâm linh hay phong thuỷ. Chúng được coi như biểu tượng của sự may mắn, sung túc, thành đạt của người sở hữu và là niềm tự hào trong tâm thức người Việt. Còn bên kia có một loài cá được hiện hữu trong kí ức của thế hệ 7x, trong đó có tôi, đó là cá chọi. Những chú cá chọi nhỏ bé thôi nhưng chúng có thân hình, màu sắc độc đáo với bộ vây mềm mại mà khi khoe sắc thì thật kỳ ảo”.

“Với khả năng biểu đạt kỹ thuật nhuần nhuyễn kết hợp phương pháp “Thêu hoa dệt gấm” biến ảo các sắc màu sáng, tươi đan xen những vùng loang chảy miên man ở sắc độ, tác phẩm của Trần Đình Khương mang đến hương vị đằm thắm, thanh nhã. Cũng từ Khương cùng các nghệ sĩ khác, chất liệu sơn mài truyền thống đã được tiếp nối, mở hướng cho những cách tân”, hoạ sĩ Nguyễn Xuân Tiệp, người đóng vai trò Cố vấn Nghệ thuật của triển lãm chia sẻ.

Khác với người bạn đời của mình, hoạ sĩ Đoàn Thuý Hạnh lựa chọn nội dung phản ánh sinh động hiện thực cuộc sống. Đề tài chủ yếu xoay quanh thế giới trẻ thơ với các dịch chuyển nhiều hướng từ trẻ em vui chơi, luyện tập đàn violon, piano, tập múa… cho đến khai thác sâu, tập trung đậm đặc ở mảng chân dung. Với trẻ thơ, chúng là hiện thân của sự thánh thiện, chuyển động nhịp nhàng theo ánh sáng tâm thức cùng không gian gợi mở của bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Ở đó ta đọc được vẻ lãng mạn chìm đắm trong tình yêu và cảm giác an bình. Thoảng hoặc những bé gái trong tranh bật lên cái nhìn bỡ ngỡ, dò hỏi ở tuổi mới lớn hay dáng vẻ làm duyên, mộng mơ của lứa tuổi trăng rằm, và cũng có lúc lại là ánh mắt giàu tính tự sự, đượm buồn cứ như nói lên thân phận.

“Theo thời gian Đoàn Thuý Hạnh nối thêm chủ đề từ đặc tả con người sang vẻ đẹp bí ẩn của thiên nhiên mà hướng khai thác trọng tâm là các loài hoa như: Sen, Cúc, Loa kèn, Ngọc trâm, Dâm bụt… Những đoá hoa trong tác phẩm của Hạnh cất tiếng gọi ngân lên lời mời, sẻ chia xúc cảm lãng mạn. Có thể nói thiên nhiên trong Hạnh, của Hạnh tràn ngập vẻ đẹp bình dị và hoài niệm”, hoạ sĩ Nguyễn Xuân Tiệp nhận định.

“Tôi thích vẽ và ngắm trẻ em vì chúng luôn mang đến sự thanh thản trong tâm hồn cùng sự yêu thương trong sáng! Rồi dần dần tôi cũng tìm thấy điều tương tự ở những loài hoa mà tôi yêu thích được đặt để trong nhà và bên ngoài thiên nhiên”, hoạ sĩ Đoàn Thuý Hạnh chia sẻ.

Là người chịu khó học hỏi từ truyền thống, những tìm tòi khám phá kỹ thuật chế tác của Đoàn Thuý Hạnh đã thay đổi biên độ sáng tối, sự tươi sáng của màu thúc đẩy mở rộng sự đa dạng, phong phú đối với khả năng biểu đạt của chất liệu sơn mài. Và hơn nữa sự cải biến, sử dụng vẽ sơn mài trên vải đạt hiệu quả cùng với nhiều hoạ sĩ đương đại đã góp phần cống hiến, cách tân chất liệu sơn mài Việt Nam.

 

Triển lãm “Song Tấu Lạ” mở cửa tự do từ 8h00 đến 18h00 hàng ngày cho tới 8/12/2023.

Hình ảnh: Bến Thành Art Gallery

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *