Mạn đàm về sáng tác mỹ thuật đề tài “Lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng”, đánh giá và giải pháp

Có thể khẳng định rằng tranh – tượng về đề tài Lực lượng vũ trang & Chiến tranh Cách mạng (LLVT & CTCM) đã hiện diện trong đời sống và lịch sử mỹ thuật hiện đại Việt Nam trước khi có cuộc vận động sáng tác, triển lãm mỹ thuật mang tính toàn quốc về đề tài “LLVT & CTCM, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Sau cách mạng Tháng 8/1945 thành công đã tạo nên những biến đổi lớn về chất trong lịch sử mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Ngay trong triển lãm mỹ thuật đầu tiên dưới chính quyền cách mạng năm 1946 tại Hà Nội đã có những tác phẩm về đề tài lịch sử trọng đại này. Một đề tài lịch sử gắn với sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc. Bước vào hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, các thế hệ họa sĩ từ tình yêu nghệ thuật dân tộc đã đến với cách mạng và đi vào kháng chiến. Tự nguyện đeo ba lô, giá vẽ lên vai cùng hành quân với bộ đội trên hầu hết các nẻo đường chiến dịch; đi vào đời sống kháng chiến, kiến quốc. Với tư cách là những người trong cuộc đã tạo nên cái duyên, cái đẹp trong không ít các tác phẩm mỹ thuật, thể hiện sinh động, cụ thể trong Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc năm 1951 tại Chiêm Hóa – Tuyên Quang mà Bác Hồ kính yêu đã có thư gửi các họa sĩ khẳng định sứ mạng cao cả của văn nghệ sĩ: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Họa sĩ – chiến sĩ, một tâm thế cần có mỗi khi cầm bút vẽ, nhất là vẽ về đề tài lịch sử trọng đại, đã thực sự viết nên một trang sử mỹ thuật cách mạng về đề tài LLVT&CTCM, tiêu biểu là các tác phẩm của các tác giả được giải thưởng cao quý như Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật như: “Nữ dân quân miền biển” (sơn dầu năm 1960 của Trần Văn Cẩn); “Tình quân dân” (sơn mài 1949 của Nguyễn Sỹ Ngọc); “Hành quân đêm” (sơn mài 1955 của Nguyễn Hiêm); “Nhớ một chiều Tây Bắc” (sơn mài 1955 của Phan Kế An); “Bình mình trên nông trang” (sơn mài 1951 của Nguyễn Đức Nùng); “Du kích Cảnh Dương (in đá 1950 của Phạm Văn Đôn); “Tiếng đàn bầu” (sơn dầu 1963 của Nguyễn Sỹ Tốt); “Ghé thăm nhà” (lụa 1958 của Nguyễn Trọng Kiệm)… Hầu như các tác giả được giải thưởng cao quý này đều có các tác phẩm tiêu biểu về đề tài lịch sử trọng đại này.

 

Dương Hướng Minh – Tô Vĩnh Diện. 1962. sơn mài. 80x110cm

 

Nguyễn Trọng Kiệm – Sản xuất, chiến đấu và nuôi con. 1965. sơn dầu

Những năm 1960, quân đội đã tích cực mở lớp vẽ với sự giúp đỡ của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam, sau thời gian ngắn học tập, các họa sĩ lên đường vào chiến trường miền Nam thực tế sáng tác, do đó nhiều triển lãm tranh ký họa về miền Nam liên tiếp được trưng bày ngay bên chiến hào và cũng được triển lãm tại thủ đô Hà Nội thu hút công chúng đến xem, trong đó có nhiều tác phẩm đã được đưa vào Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Bảo tàng Quân đội (nay là Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam).

Trước đòi hỏi của thực tế cần phải có một đơn vị mỹ thuật quân đội giúp Tổng cục Chính trị chỉ đạo và hoạt động trên lĩnh vực mỹ thuật. Ngày 7/9/1974, Xưởng Mỹ thuật Quân đội được thành lập, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 30 ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Quân đội đã tổ chức triển lãm mỹ thuật toàn quốc về đề tài LLVT nhân dân tại thủ đô Hà Nội, đã có tiếng vang lớn.

Nhìn lại lịch sử ra đời của các cuộc vận động này có thể nói trên cái nền của phong trào sáng tác mỹ thuật quần chúng sâu rộng một thời vang bóng “Bộ đội vẽ và vẽ bộ đội” đã thực sự đi vào đời sống của các chiến sĩ. Một loạt lớp học vẽ ở cơ sở do Xưởng MTQĐ phối hợp với các đơn vị tổ chức đã thu hút được kết quả tốt như Bộ đội phòng không – Không quân, các binh chủng Đặc công, Công binh, Pháo binh, Binh chủng Thông tin liên lạc, bộ đội Trường Sơn và cả các đơn vị chủ lực như Quân đoàn 2, và Tổng cục Hậu Cần có một triển lãm gốm gây ấn tượng mạnh.

Phong trào “Bộ đội vẽ, vẽ Bộ đội” đã góp phần xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần của bộ đội, từ đó cũng đào tạo được hàng loạt hạt nhân có khả năng vẽ tranh, nặn tượng nghiệp dư trong quân đội. Nhiều anh em được chọn lọc đi học đã tốt nghiệp tại các trường đại học mỹ thuật và bổ sung cho đội ngũ sáng tác chuyên nghiệp. Không ít họa sĩ quen biết của quân đội hôm nay trưởng thành từ phong trào quần chúng vang bóng một thời đó.

Lê Huy Toàn – Tổng công kích Điện Biên Phủ. 2003.sơn dầu. 110x180cm

 

Trịnh Bá Quát – Đánh sân bay Tân Sơn Nhất

 

Đoàn Văn Thân – Ngày mới. 2017. Acrylic. 120x150cm

Những năm sau ngày, xưởng MTQĐ giải thể, số anh em họa sĩ nhà điêu khắc còn lại được biên chế về Bảo tàng LSQS Việt Nam thực hiện một mô hình mới về vận động sáng tác và triển lãm mang tính toàn quốc về đề tài LLVT & CTCM, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 5 năm 1 lần, nhằm vào các năm chẵn lẻ và chẵn chục, nhân kỷ niệm ngày thành lập QĐND Việt Nam và kết hợp xét giải thưởng về Văn học Nghệ thuật và báo chí của Bộ Quốc phòng. Tổ chức triển lãm định kỳ 5 năm một lần như Triển lãm mỹ thuật toàn quốc và giải thưởng của nó cũng nằm trong hệ thống giải thưởng mang tính toàn quốc. Có thể nói cuộc vận động sáng tác và triển lãm mỹ thuật về đề tài LLVT&CTCM là một cuộc hội quân lớn của giới mỹ thuật cả nước.

Những năm qua, được sự giúp đỡ của Bộ VHTT và DL, Hội Mỹ thuật Việt nam, Sở VHTT, Hội VHNT các chi hội Mỹ thuật trên cả nước, cuộc vận động sáng tác và triển lãm Mỹ thuật về đề tài LLVT & CTCM đã thu hút được đông đảo đội ngũ sáng tác hưởng ứng tích cực, có năm lên tới gần 1 nghìn tác phẩm gửi đến tham dự. về phía Hội MTVN đã coi đề tài lịch sử, về Đảng, Bác Hồ, đề tài Cách mạng và LLVT nhân dân là đề tài được quan tâm đặc biệt, hàng năm đã giành cho CLB sáng tác về đề tài Cách mạng và Bảo vệ Tổ quốc của Hội MTVN tổ chức các chuyến đi thực tế sáng tác cho các họa sĩ trong và ngoài quân đội tới các đơn vị trong toàn quân kể cả đến với các đảo thuộc quân đảo Trường Sa, đến với bộ đội biên Phòng và các đơn vị làm kinh tế, các nhà máy của quân đội. Hội MTVN đã đồng hành cùng với quân đội, tạo điều kiện cho hội viên cả nước tham gia sáng tác và triển lãm. Tôi coi đây là là 1 cuộc Marathon nghệ thuật để kết thúc 5 năm chúng ta gặt hái được những tác phẩm tốt về đề tài LLVT & CTCM, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cuộc vận động sáng tác – triển lãm về đề tài LLVT&CTCM đã thực sự đáp ứng nhu cầu thưởng thức mỹ thuật lịch sử trọng đại này, góp phần lành mạnh hóa đời sống mỹ thuật của chúng ta. Điều đáng nói hơn, nó thức dậy những ký ức, kỷ niệm đẹp về một thời chiến tranh hào hùng, phát hiện được nhiều thế hệ tác giả tâm đắc và có triển vọng về đề tài lịch sử này. Có thể nói mỹ thuật về đề tài LLVT&CTCM là mạch nguồn cảm hứng sáng tác của nhiều thế hệ họa sĩ, nhà điêu khắc trong và ngoài quân đội. Qua đó, thực sự trở thành vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng, góp phần cổ vũ, động viên quân và dân làm nên chiến thắng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Nguyễn Hải Nghiêm – Rạng đông. Sơn dầu. 2016. 140x146cm

 

Ngân Chài – Phòng thủ. 2017. sơn dầu. 120x150cm

Nói về đề tài LLVT & CTCM không thể không nói đến lực lượng Công an nhân dân, những năm vừa qua Bộ Công an cũng đã tổ chức các chuyến đi thực tế cho các họa sĩ hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam trên phạm vi cả nước được đến với các đơn vị của công an nhân dân thực tế, ghi chép tư liệu để hình thành tác phẩm và đã tổ chức được một số triển lãm về đề tài công an nhân dân, tôi cho đây cũng là tín hiệu đáng mừng cho các họa sĩ sáng tác về đề tài mới trong giai đoạn hiện nay,

Từ khi đất nước được giải phóng, đặc biệt là những năm gần đây số tác giả sáng tác về đề tài LLVT & CTCVM chiếm 1 tỷ lệ khiêm tốn về số lượng và đặc biệt hiếm có những tác phẩm có nội dung sâu sắc, đẹp về hình thức thể hiện, tác phẩm đỉnh cao về đề tài LLVT & CTCM được chứng minh ngay sự hiện diện trong các cuộc triển lãm khu vực hàng năm của Hội và triển lãm với quy mô toàn quốc định kỳ 5 năm (hiện nay là 3 năm 1 lần). Qua theo dõi ở triển lãm MT toàn quốc kể từ năm 1995, 2000, 2010, 2015, 2020 các tác phẩm về đề tài LLVT & CTCM số lượng rất khiêm tốn chỉ chiếm khoảng 10%, tổng số tác phẩm được trưng bày, có năm chỉ chiếm với tỷ lệ 6,7%. Đặc biệt ở triển lãm năm 2020 chỉ có khoảng 3% trong số các tác phẩm được trưng bày trong triển lãm.

Nếu biết trước đây chỉ là nghệ thuật hiện thực cách mạng giàu chất thơ mà thôi mới thấy được sự phát triển về nghệ thuật theo kịp xu hướng nghệ thuật thời đại. Có điều mô hình vận động sáng tác – triển lãm MTTQ về đề tài LLVT&CTCM còn dừng ở mô hình vận động khắp nơi, “đến hẹn lại lên” 3 năm một lần cho TLMT Việt Nam hay 5 năm một l lần cho TLMTTQ về đề tài LLVT&CTCM; mới phát hiện được đội ngũ tác giả, còn chưa xây dựng được đội ngũ tác giả về đề tài này, chưa có tác phẩm đẹp xứng tầm với hiện thực chiến tranh cách mạng; chưa có tác giả đại diện cho dân tộc về đề tài này như các danh họa mà tôi đã dẫn ở trên.

Theo tôi để có những sáng tác tốt về đề tài LLVT, CTCM trong giai đoạn mới cần vận động đồng bộ cả hai mô hình: Vận động diện rộng và đầu tư có chiều sâu:

+Vận động rộng khắp là phát hiện đội ngũ tác giả, đầu tư chiều sâu là tập hợp xây dựng đội ngũ tác giả, không thể không đầu tư chiều sâu, đầu tư có trọng điểm, đầu tư cho tác giả, nhóm tác giả, đầu tư cho tác phẩm. Không nên chung chung chạy theo phong trào nữa mới may ra có những tác phẩm chất lượng nghệ thuật cao được.

Không thể chỉ làm một cuộc vận động chung chung như chúng ta đã và đang làm vì thế kết quả hiện diện ngay ở các cuộc triển lãm của câu lạc bộ, triển lãm ở các khu vực và triển lãm mang tính toàn quốc năm qua chưa thấy xuất hiện những tác phẩm mang tính đột phá, kể các tác giả đã thành danh và đội ngũ tác giả trẻ, nhiều tác phẩm vẫn mang tính minh họa.

+ Cần phối hợp tổ chức tốt, có hiệu quả các chuyến đi thâm nhập thực tế đến với các đơn vị bộ đội, công an nhân dân cho các họa sĩ cả nước, để ghi chép lấy tài liệu phục vụ cho công việc sáng tác xây dựng tác phẩm, góp phần phản ánh hình tượng người chiến sĩ mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong giai đoạn hiện nay. Tăng cường tổ chức các trại sáng tác tập trung (có thể dài ngày hơn theo quy định của Trung tâm Hỗ trợ sáng tác, Bộ VHTT và DL chuyên về đề tài khó, ít người vẽ này cho cả hội họa, đồ họa tạo hình và điêu khắc để tác giả có điều kiện hoàn thiện tác phẩm.

+ Thiết nghĩ, cuộc vận động sáng tác MTTQ về đề tài LLVT&CTCM hoặc cuộc vận động sáng tác các tác phẩm VHNT “chất lượng cao”, theo tôi cần kịp thời đầu tư chiều sâu để xây dựng đội ngũ tác giả tiêu biểu về đề tài này. Một thực tế, cuộc chiến tranh đã lùi xa hàng nửa thế kỷ. Các tác giả đi qua các cuộc kháng chiến đã thưa vắng dần, điều kiện kinh tế của đa phần tác giả còn nhiều khó khăn, mặc dù cảm xúc, tư liệu về cuộc chiến vẫn còn nguyên vẹn, nhưng lực bất tòng tâm. Đã đến lúc cần tìm cho được một hình thức vận động khả thi, đúng người, đúng tầm với cuộc vận động sáng tác các tác phẩm VHNT có chất lượng cao. Không thể không tập hợp xây dựng một đội ngũ tác giả tiêu biểu cho các đề tài lịch sử trọng đại; còn thiếu những hình thức tiếp cận đến tận tác giả, nhất là các tác giả đã thành danh. Không thể chỉ làm một cuộc vận động chung chung như chúng ta đã và đang làm. Cần chú trọng đầu tư chiều sâu đến từng tác giả mới mong có được tác phẩm chất lượng cao.

+ Vấn đề đầu ra cho tác phẩm về đề tài lịch sử, đề tài lãnh tụ, đề tài LLVT & CTCM, nhiều năm qua việc đánh giá, chọn mua       tác phẩm tiêu biểu chưa được các cấp các ngành trong và ngoài quân đội quan tâm đúng mức. Ở Việt Nam, hệ thống các bảo tàng cần có các tác phẩm mỹ thuật trong hệ thống trưng bày như một hiện vật để, lưu giữ, bảo quản, tuyên truyền cho từng giai đoạn lịch sử của đất nước, của Quân đội nhân dân Việt Nam với khách tham quan trong và ngoài nước.

 

                                                                      Họa sĩ Trịnh Bá Quát

                                                      Chi Hội trưởng chi hội Đồ họa 1 Hội MTVN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *