“Soi từ phía khác” – Mỹ thuật Việt dưới những góc nhìn mới

Bước sang thế kỷ 21, sự toàn cầu hoá càng xảy ra mạnh mẽ hơn bao giờ hết ở mọi lĩnh vực. Hiện tượng này thúc đẩy nhiều lĩnh vực nghiên cứu đa ngành, đa phương, và (hoặc) liên văn hoá, khiến cho giới nghiên cứu văn hoá nghệ thuật, quốc tế cũng như Việt Nam, ngày càng có sự biến chuyển tư duy tích cực, bao quát và tổng hợp hơn. Cuốn sách mới nhất này của TS Trần Hậu Yên Thế là một minh chứng thuyết phục cho một bối cảnh nghiên cứu cởi mở và chủ trương nghiên cứu tích hợp, đa chiều.

Có thể nói, cuốn sách này là chuyến du hành cùng nghệ thuật Việt xuyên không gian và thời gian. Những tác phẩm, địa chỉ và chủ đề khảo cứu trải dài trong một khung thời gian rất rộng, từ thời sơ sử cho tới nửa đầu thế kỷ 20. Đồng thời, mỗi chi tiết hay vấn đề được tác giả nêu lên, biện giải luôn là những mắt xích của sự đan cài nhiều nền văn hoá, nhiều truyền thống tôn giáo hoặc những biến động địa chính trị. Tại mỗi bài viết đơn lẻ, ví như một trạm dừng trong chuyến du hành này, người đọc có được khoảng thời gian thú vị để chiêm ngưỡng kỹ càng – hay “soi” – các tác phẩm, suy tư về những vấn đề được trình bày với một văn phong dung dị của nhà nghiên cứu, đôi khi có sự trích dẫn cả huyền sử hay thi ca, nên càng hấp dẫn song không kém phần thuyết phục bởi những dẫn chứng mang tính phân tích, so sánh liên ngành, từ khảo cổ học, nhân học, địa dư học, cho đến văn hoá học, biểu tượng luận,…

Nếu cho rằng: “Mỹ thuật là một hình thức nhận thức”, thì nghiên cứu mỹ thuật lại càng là một quá trình tự ý thức. Trong nhiều bài viết của cuốn sách, TS Trần Hậu Yên Thế đã hơn một lần trở đi trở lại với những nghiên cứu, phán đoán, nhận định trước đây của mình, để rồi tự phản biện. Và, dưới những góc nhìn mới, có tham khảo và đối chiếu với những kết quả nghiên cứu mới của đồng nghiệp trong nước và quốc tế – rút ra những kết luận mới có giá trị học thuật. Đây là một thái độ khảo cứu nghiêm túc, có trách nhiệm và khoa học, cũng là một điểm sáng của cuốn sách tổng hợp các kết quả nghiên cứu mỹ thuật mới này của tác giả Trần Hậu Yên Thế .

TS Phạm Long
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 11-2021)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *