Triển lãm nghệ thuật đặc sắc ‘Dòng chảy kết nối’

(Chinhphu.vn) – Triển lãm nghệ thuật “Dòng chảy kết là nối” – hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện Hưởng ứng 30 năm ngày Chính phủ ban hành nghị định về Đại học Quốc gia Hà Nội.

Triển lãm là một trong những sự kiện đánh dấu chuỗi sự kiện kỷ niệm 30 năm ngày Chính phủ ban hành nghị định Đại học Quốc gia Hà Nội 1993-2023 – Ảnh: VGP/NN

“Dòng chảy kết nối” là sự kiện liên ngành – nghệ thuật độc đáo lần đầu tiên có tại Đại học Quốc gia Hà Nội, kết nối giữa truyền thống đào tạo nghệ thuật của Trường Mỹ thuật Đông Dương, đồng thời là tín hiệu cho thấy sự phục hồi của giáo dục công nghiệp văn hóa & nghệ thuật trong sự tích hợp với khả năng ứng dụng đại chúng và xu thế toàn cầu hóa của thời đại.

Đây là sự dấu mốc quan trọng cho sự phát triển của Khoa Các khoa học liên ngành nói riêng và định hướng phát triển liên ngành và nghệ thuật dựa trên nền tảng truyền thống liên ngành, xuyên ngành của Đại học Quốc gia Hà Nội nói chung.

Lấy ý tưởng kết nối với dòng chảy lịch sử từ Trường Mỹ thuật Đông Dương thuộc Đại học Đông Dương, ra đời vào đầu thế kỷ XX, triển lãm nghệ thuật này đánh dấu sự hồi sinh của truyền thống giáo dục khai phóng và liên ngành về nghệ thuật trong Đại học Quốc gia.

“Dòng chảy kết nối” – chủ đề của triển lãm – là một dòng chảy mang theo sự khao khát của các giảng viên/nghệ sĩ của Khoa Các khoa học liên ngành, được cùng nhau dệt nên một câu chuyện kỳ diệu về sự hồi sinh – kết nối di sản trong nhịp đập của nghệ thuật đương đại. Đó cũng là sự tôn vinh tính liên ngành cũng như mối liên hệ không thể tách rời giữa quá khứ và hiện tại, giữa truyền thống và hiện đại, giữa mỹ thuật hàn lâm và mỹ thuật ứng dụng.

Triển lãm trưng bày những lát cắt, những nét chấm phá nghệ thuật – Ảnh: VGP/NN

Các tác giả tham gia trong triển lãm không chỉ là những giảng viên, mà còn là những người thực hành sáng tạo chuyên nghiệp trong các lĩnh vực nghệ thuật.

Triển lãm là những lát cắt, những nét chấm phá giới thiệu đời sống thực hành nghệ thuật thường nhật của các tác giả.

Các chất liệu và phương tiện nghệ thuật xuất hiện trong triển lãm rất đa dạng, từ những chất liệu hội họa truyền thống như sơn mài, sơn dầu, tranh lụa, điêu khắc, tranh in, thư pháp… cho tới các chất liệu đa phương tiện như nhiếp ảnh, nhiếp ảnh phù điêu, video art, sắp đặt…

Cùng với đó các tác phẩm nghệ thuật ứng dụng như thiết kế thời trang, thiết kế đồ hoạ số, cho tới thiết kế nội thất, kiến trúc cũng cùng xuất hiện đan xen tương tác với nhau trong một không gian triển lãm mở, được lên ý tưởng thiết kế hoàn toàn ngẫu hứng. Toàn bộ không gian triển lãm xuất hiện trong một khoảng không gian giếng trời, tương tác với cảnh quan hiện có của toà nhà, hi vọng sẽ mang lại những năng lượng sáng tạo tích cực cho người xem vốn phần đông là sinh viên các ngành hết sức đa dạng của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Toàn bộ không gian triển lãm xuất hiện trong một khoảng không gian giếng trời – Ảnh: VGP/NN

Với sinh viên nghệ thuật, triển lãm sẽ như một niềm cảm hứng cho các em trong công việc học tập nghiên cứu phía trước, bước đầu hình dung về công việc cụ thể của mình trong tương lai, đồng thời đưa tới những mường tượng cụ thể về mối tương quan giữa các lĩnh vực nghệ thuật vốn hết sức đa dạng và phong phú.

Đối với sinh viên các ngành khác, triển lãm cũng sẽ mang tới những niềm vui và những cảm xúc thẩm mỹ tươi mới, kích thích năng lượng sáng tạo trong nghiên cứu và học tập, từ đó cũng thêm yêu và trân quí giá trị của sáng tạo nghệ thuật trong đời sống.

Triển lãm là một trong những dấu son đánh dấu chuỗi sự kiện kỷ niệm 30 năm ngày Chính phủ ban hành nghị định Đại học Quốc gia Hà Nội 1993-2023, đồng thời cũng như một hoạt động hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày ký quyết thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương 1924-2024, mảnh ghép cuối cùng trong hệ sinh thái đa ngành của các trường thuộc Đại học Đông Dương xưa và cũng là mảnh ghép còn thiếu trong cơ cấu đa ngành của Đại học Quốc gia sau 30 năm phát triển.

Nhật Nam

Nguồn: Báo điện tử Chính phủ 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *